RSS

Giới thiệu các địa điểm chụp hình cưới đẹp ở Sài Thành


Những toà nhà cao tầng nối tiếp nhau, khu hồ Bán Nguyệt lung linh dưới ánh đèn đường, cầu Ánh Sao xuyên ngang bầu trời, đồng cỏ lau thẳng dài tận cuối chân trời hay cầu Ông Lớn nổi lên như một cầu vồng đỏ thắm...  đều là những "background" đẹp và mang đến cho bạn những shoot hình ấn tượng ở miền đất Sài Thành. Đây chính là những địa điểm độc đáo và hấp dẫn không chỉ đối với khách du lịch mà nó còn có ý nghĩa đặc biệt đối với Cô dâu và Chú Dể bởi mỗi người chỉ có một lần thiêng liêng nhất và duy nhất cho cuộc hôn nhân đầu đời của mình. Ai cũng muốn giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất của mình trước khi bước vào cuộc sông mới.
Xin giới thiệu các địa điểm và chi phí  vào cửa cho các bạn tiện tham khảo.
 
1.Chụp hình cưới tại Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Diamond Plaza

Là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của TP.HCM. Nhà thờ Đức Bà có lối kiến trúc cổ kính cùng nhiều góc chụp đẹp. Đặc biệt ở khu ven nhà thờ còn có những quán cà phê bệt, vào cuối tuần còn có hàng đàn chim bồ câu thân thiện sẽ là phông nền độc đáo cho bức ảnh của bạn. Bên cạnh việc không tính phí khi chụp ảnh, Bưu điện Sài Gòn còn có nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu và châu Á quyện vào nhau, mang đến cảm giác cổ điển cho bộ ảnh của bạn
Địa điểm nơi đây rất thích hợp cho những ngày nắng đẹp, tuy nhiên không khí ồn ào và nhiều người qua lại sẽ làm bạn e dè khi tạo dáng. Bạn sẽ phải vất vả để chuẩn bị hành lý và phục trang chụp hình. Dịch vụ ăn uống, nghỉ trưa đắt đỏ
Địa chỉ: - Nhà Thờ Đức Bà - 01 Công xã Paris, P. Bến Nghé, Q.1
               - Bưu điện thành phố - 02 Công xã Paris, P. Bến Nghé, Q.1
               - Diamond Plaza - 34 Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1
Giá tham khảo: Miễn phí, trừ phí dịch vụ thuê studio
___________________________________________________________________________

2. Nhà hát thành phố, UBND thành phố, Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Xung quanh nhà hát có nhiều tòa nhà, công viên để các bạn yêu thích chụp hình khai thác hình ảnh như: khách sạn Continental, khách sạn Caravella, khu công viên kế bên và trước mặt nhà hát. Đi xa hơn nữa là đến vòng xoay với đài phun nước cổ kính và những hàng liễu xanh rì, xa xa là tòa nhà UBND thành phố tráng lệ. Khu vực bảo tàng thành phố và bảo tàng mỹ thuật với không gian trong và ngoài rộng lớn, kiến trúc đẹp. Nơi đây có lợi thế là ở trung tâm nên việc di chuyển giữa các địa điểm tương đối thuận lợi. Cụm địa điểm ở đây thích hợp cho những bộ ảnh mang phong cách Tây Phương
Ở đây cũng có những bất lợi như: không khí ồn ào và nhiều người qua lại sẽ làm bạn e dè khi tạo dáng. Bạn sẽ phải vất vả để chuẩn bị hành lý và phục trang chụp hình. Dịch vụ ăn uống, nghỉ trưa đắt đỏ, bên cạnh đó bạn phải trả một khoản phí dịch vụ chụp ảnh
Địa chỉ: - Bảo tàng thành phố - 65 Lý Tự Trọng, Q.1
               - UBND thành phố - 87 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1
               - Nhà hát thành phố - 07 Công Trường Lam Sơn, P.Bến Nghé, Q.1
               - Bảo tàng mỹ thuật TP - 97 Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1
Giá tham khảo:
               - Bảo tàng thành phố: 150.000 VNĐ/lần (chưa kể tiền thuê studio)
               - Bảo tàng Mỹ thuật TP: 500.000 VNĐ/lần (chưa kể tiền thuê studio)
               - Nhà hát và UBND thành phố: Miễn phí, trừ phí dịch vụ thuê studio
___________________________________________________________________________
 
3. Chụp hình cưới tại Thảo Cầm Viên

Thảo Cầm Viên có hoa cỏ, cây cối và không gian xanh, thoáng mát, là địa chỉ chụp ảnh ngoài trời được nhiều người biết đến. Khung cảnh Thảo Cầm Viên khá đa dạng, có những góc theo phong cách xưa đan xen với những khu hiện đại.
Ở đây có tính phí vào cổng, nếu chụp hình cưới sẽ phải trả phí dịch vụ. Những ngày cuối tuần thường khá đông khách tham quan nên bạn dễ e dè khi tạo dáng
Địa chỉ: 2B Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1
Giá tham khảo: 100.000 - 200.000 VNĐ/lần (chưa kể tiền thuê studio)
___________________________________________________________________________
 
4. Các quán cafe sân vườn đẹp, thơ mộng, kiến trúc độc đáo


Những quán cà phê được thiết kế, bài trí theo nhiều phong cách khác nhau từ hiện đại đến cổ điển, từ sân vườn đến phòng kín, từ nhẹ nhàng lãng mạn cho đến sôi nổi năng động. Bạn nên hỏi giá cả cũng như những yêu cầu của quán khi đến chụp ảnh
Phí dịch vụ tùy vào mỗi quán, dao động từ 200.000 – 500.000 VNĐ/lần chụp, giá thức uống cũng dao động từ 30.000 - 80.000 VNĐ/ly
Địa chỉ: - Cafe Miền Đồng Thảo - 221A Nguyễn Trọng Tuyển. Q.Phú Nhuận
- Cafe Cooku’s Nest - 13 Tú Xương, Q.3
- Cafe Cõi Mộc - 17F Đặng Văn Ngữ, Q.Phú Nhuận
- Cafe Trầm - 100 Trần Huy Liệu, Q.Phú Nhuận
- Cafe Paris Deli - Khu Garden View, Phú Mỹ Hưng, Q.7
- Cafe Du Miên - 48/9A Hồ Biểu Chánh, P.11, Q.Phú Nhuận
- Cafe Country Houses - 18 Phan Văn Trị, P.10, Q.Gò Vấp
- Cafe Thềm Xưa - 371D1 Nguyễn Cảnh Chân, Q.1
- Cafe Seranata – Khúc Ban Chiều Piano - 329/15 Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận
- Cafe Địa Đàng - 389 Cây Trâm, P.8, Q.Gò Vấp
- Cafe Gác Hoa - 92/17 Phạm Ngọc Thạch, Q.3
- Cafe The Journey - 158/12 Trần Huy Liệu, P.15, Q. Phú Nhuận
- Cafe Ngộ - 220/58 Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3
___________________________________________________________________________
 
5. Khu công viên gần nhà thờ ngã sáu - Quận 5

Có một khoảng công viên khá lớn với những thảm cỏ xanh mướt, những hàng cây cao vút, thẳng tắp chung quanh nhà thờ tạo nên một khung cảnh hết sức lãng mạn. Hình ảnh nhà thờ cổ kính tạo không gian cổ xưa trên nền ảnh. Ở khu vực này bạn có thể chụp hình miễn phí
Địa điểm này là một nơi chụp hình lí tưởng nhưng ít người biết đến. Tuy nhiên ở đây khá ồn ào và nhiều người qua lại, hơn nữa lại không có nơi để thay phục trang và chủ yếu là dịch vụ ăn uống hàng rong
Địa chỉ: 116B Hùng Vương, P.9, Q.5
Giá tham khảo: Miễn phí, trừ phí dịch vụ thuê studio
___________________________________________________________________________
 
6. Chụp hình cưới tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng

Là một khu đô thị sang trọng với nhiều ngôi nhà xinh xắn và sang trọng. Khu vực này có nhiều địa điểm như: cầu Ông Lớn, cầu Phú Mỹ, khu cỏ lau Trung Sơn, công viên Nam Sài Gòn, đồi cỏ thấp và con đường Hàn Quốc. Ngoài ra còn có Hồ Bán Nguyệt với nhiều công viên nhỏ, các con đường rợp bóng cây xanh, vườn hoa. Cầu Ánh Sao với thành cầu được uốn cong, tạo hình đẹp khi lên ảnh. Các bạn có thể vào các khu trung tâm thương mại để thay trang phục. Không gian lãng mạn ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng – Nam Sài Gòn thích hợp cho cả ngày nắng và ngày mưa. Ở đây các bạn tha hồ chụp hình miễn phí
Tuy nhiên bất lợi của khu vực này là địa điểm khá xa trung tâm thành phố. Ở đây thường xuyên có các studio hoặc cô dâu chú rể đến để chụp ảnh cưới vào cuối tuần nên khó có không gian riêng, dịch vụ ăn uống đắt đỏ. Nếu bạn chụp hình ở cầu Ông Lớn và cầu Phú Mỹ nên cẩn thận xe cộ
Địa chỉ: Đại lộ Nam Sài Gòn - Quận 7
Giá tham khảo: Miễn phí, trừ phí dịch vụ thuê studio
___________________________________________________________________________
 
7.Chụp hình cưới tại Cánh đồng cỏ lau

Nhiều bạn lại thích chọn những cánh đồng lau hoặc cỏ đuôi cong là nơi chụp ảnh vì khi lên hình, những cánh đồng mênh mông này tạo nên sự bao la, đẹp mắt. Ở Sài Gòn, các khu cỏ lau này thường tập trung ven sông, qua cầu Sài Gòn hoặc cầu Phú Mỹ. Để tìm đến đồng cỏ lau ở Quận 2, bạn đi qua cầu Sài Gòn, rẽ vào Trần Não rồi chạy qua Lương Định Của, tiếp đến rẽ vào hướng cảng Cát Lái. Khi bạn qua cầu Giồng Ông Tố sẽ thấy đồng cỏ lau bát ngát. Ở đây các bạn được chụp hình miễn phí
Bất lợi cho những ai muốn đến chụp hình ở cánh đồng lau là vị trí xa trung tâm thành phố, không có địa điểm để thay trang phục. Khu vực này khá yên tĩnh và thích hợp chụp vào những ngày đầy nắng và gió
Địa chỉ: Quận 7 và Quận 2
Giá tham khảo: Miễn phí, trừ phí dịch vụ thuê studio
___________________________________________________________________________
 
8. Khu du lịch Bình Quới - Văn Thánh

Khu du lịch Bình Quới – Văn Thánh có không gian làng quê cổ với ao sen cá, dòng sông êm đềm, những sân cỏ xanh mướt mát, yên bình, mát mẻ. Ngoài ra còn có các dịch vụ ăn uống, du lịch đi kèm. Thời điểm chụp lý tưởng tại đây là vào những ngày nắng vừa phải để tránh bị mệt vì khu du lịch rộng và phải đi bộ nhiều
Nhờ có phong cảnh trữ tình cổ xưa kết hợp với du lịch cho nên Bình Quới - Văn Thánh đã thu phí vào cổng và phí chụp hình cho những ai muốn đến đây tạo dáng
Địa chỉ: - Bình Quới 1 - 1147 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh
               - Bình Quới 2 - đoạn cuối đường Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh
               - Khu du lịch Văn Thánh - 48/10 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh
Giá tham khảo: - Phí vào cổng: 90.000 VNĐ/Trẻ em và 130.000 VNĐ/Người lớn
                             - Phí dịch vụ: 300.000 - 500.000 VNĐ/lần (chưa kể tiền thuê studio)
___________________________________________________________________________
 
9. Công viên văn hoá Đầm Sen

Không gian rộng lớn với nhiều phong cảnh đẹp, thơ mộng, lãng mạn, nhiều góc ảnh sinh động. Hơn nữa, công viên cũng không thu phí chụp hình
Tuy nhiên, địa điểm này hơi xa trung tâm thành phố và khi đến đây chụp ảnh bạn phải tốn phí vào cổng. Nếu bạn chụp hình cưới hoặc chụp với studio thì phải trả phí dịch vụ cho studio đó
Địa chỉ: 03 Hòa Bình, P.3, Q.11
Giá tham khảo: - Phí vào cổng: 25.000 VNĐ/Trẻ em và 50.000 VNĐ/Người lớn
                             - Phí chụp ảnh: Miễn phí, trừ phí dịch vụ thuê studio
___________________________________________________________________________
 
10. Khu du lịch Suối Tiên

Đến với "Suối Tiên - Thế giới thần tiên", bạn vừa không bị thu phí chụp hình vừa có không gian rộng lớn với nhiều phong cảnh đẹp, thơ mộng, lãng mạn từ cổ tích huyền bí đến thiên nhiên trữ tình, thích hợp cho những tay "photographer" và các "model" chuyên nghiệp
Điểm bất tiện của khu du lịch Suối Tiên là xa trung tâm thành phố. Hơn nữa nếu đến đây chụp ảnh bạn phải mất một khoản phí vào cổng cùng với khoản phí dịch vụ khi chụp chung với studio
Địa chỉ: 12 Xa Lộ Hà Nội, Q.9
Giá tham khảo: - Phí vào cổng: 25.000 VNĐ/Trẻ em và 50.000 VNĐ/Người lớn
                             - Phí chụp ảnh: Miễn phí, trừ phí dịch vụ thuê studio
___________________________________________________________________________
 
11. Khu du lịch Suối Mơ

Phong cảnh thơ mộng, mang âm hưởng phong cách Pháp với những dòng suối và thác nước trong veo, lạ mắt, có xe cổ, vườn hoa để chụp hình cưới.
Tuy đến đây bạn có thể chụp hình hoàn toàn miễn phí nhưng nếu muốn chụp chung với những chiếc xe cổ kiểu Pháp, bạn sẽ phải bỏ tiền ra để thuê chúng. Bên cạnh đó, với khoảng cách 15km tính từ trung tâm thành phố thì bạn sẽ khá mệt mỏi trong quá trình di chuyển, nhất là vào những ngày nắng
Địa chỉ: Ấp Vĩnh Thuận, đường số 11, P.Long Bình, Q.9
Giá tham khảo: - Phí vào cổng: 30.000 VNĐ/Người
                             - Phí thuê xe: xe FIAT cổ 100.000 VNĐ, xe Vespa cổ 70.000 VNĐ
                             - Phí chụp ảnh: Miễn phí, trừ phí dịch vụ thuê studio
___________________________________________________________________________
 
12. Lâu đài Long Island - Quận 9

 Tuy xa thành phố và phí tham quan khá đắt nhưng đến với Long Island bạn sẽ được hoà mình trong không gian vừa rộng lớn vừa sang trọng, lịch sự với lâu đài cổ kính và quần thể kiến trúc đương đại nguy nga, tráng lệ rộng 5 ha mô phỏng tất cả cách kiến trúc đặc sắc nhất châu Âu. Đây là nơi lý tưởng để cho ra đời những thước film và nhưng bức ảnh đẹp để đời
Địa chỉ: 173 đường Long Thuận, P.Long Phước, Q.9
Giá tham khảo: - Phí vào cổng tham quan: 2.500.000 VNĐ/Người
                             - Phí chụp ảnh: Miễn phí, trừ phí dịch vụ thuê studio
___________________________________________________________________________
 
13. Chụp hình cưới đẹp tại Hồ đá


Hồ đá có khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với những tảng đá nhỏ. Hồ nước có màu xanh lục và trong vắt. Nơi đây là địa điểm của nhiều studio cưới để các đôi vợ chồng sắp cưới thực hiện bộ ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Ở hồ đá cho phép chụp hình miễn phí
Một trong những bất tiện khi bạn đến chụp ảnh ở hồ đá là vị trí cách xa trung tâm thành phố. Nơi đây chỉ thích hợp chụp ban ngày, nếu đi ban đêm sẽ rất dễ gặp cướp. Ngoài ra các bạn nên đề phòng tai nạn nguy hiểm vì hồ rất sâu và lạnh
Địa chỉ: Làng Đại học - Quận Thủ Đức
Giá tham khảo: Miễn phí, trừ phí dịch vụ thuê studio
___________________________________________________________________________
 
14. Làng nghề truyền thống


Những làng nghề sẽ là các "background" lý tưởng cho những ai đam mê nét đẹp truyền thống Á Đông. Không cầu kỳ và cũng không quá sắc sảo nhưng khi đến những khu làng nghề này, bạn sẽ có được "shoot" hình lạ, mộc mạc và chân quê nhất. Tuy vậy, đoạn đường để đến được những nơi này sẽ hơi xa và mệt, nhưng bù lại, bạn sẽ được người dân ở đây tiếp đón nhiệt tình và bạn có thể yên tâm tạo kiểu mà không sợ mình sẽ tốn một khoản phí nào
Địa chỉ: - Làng nghề đúc lư đồng thờ - Q.Gò Vấp
- Làng nghề thêu tranh - Q.5
- Làng nghề dệt chiếu, làm bao giấy, đóng sửa ghe - Q.8
- Xóm lồng đèn Phú Bình- Q.11
- Làng gạch, gốm Long Bình - Q.9
- Làng bánh tráng Phú Hoà Đông, làng đan tre, mây, lá Thái Mỹ,... - H.Củ Chi
- Làng xe nhang, tượng phật - H.Bình Chánh
- Làng nem, làng sơn mài - Q.Thủ Đức
Giá tham khảo: Miễn phí, trừ phí dịch vụ thuê studio

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Các nghi thức trong lễ ăn hỏi của người Việt


Lễ ăn hỏi còn được gọi là lễ đính hôn là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ.


Trong lễ ăn hỏi, nhà nhà trai mang lễ vật tới nhà gái. Nhà gái nhận lễ ăn hỏi tức là chính danh công nhận sự gả con gái cho nhà trai, và kể từ ngày ăn hỏi, đôi trai gái có thể coi là đôi vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ ngày cưới để công bố với hai họ.

Nhà trai: Chú rể, bố mẹ, ông bà, gia đình,bạn bè và một số thanh niên chưa vợ bê tráp. Thường thì người bê tráp là nữ nhưng do mâm quả bây giờ khá nặng nên có thể thay thế bằng nam. Số người bê tráp là số lẻ, 3, 5, 7, 9 hoặc 11.

Nhà gái: Cô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình và một số nữ chưa chồng để đón lễ ăn hỏi, số nữ đón lễ vật tương ứng với số nam bưng mâm.

Lễ vật: Những gia đình xưa thường dùng bánh cặp nghĩa là gồm hai thứ bánh tượng trưng cho âm dương. Những cặp bánh thường dùng trong lễ ăn hỏi là bánh phu thê và bánh cốm, Bánh phu thê tượng trưng cho Dương - bánh cốm tượng trưng cho Âm. Hoặc bánh chưng và bánh dày, bánh chưng vuông là Âm - bánh dày tròn là Dương. Thường thường cùng kèm với bánh chưng và bánh dày thường có quả nem. Bánh cốm, bánh xu xê, bánh chưng, bánh dày và quả nem dùng trong lễ ăn hỏi đều được đựng trong hộp giấy màu đỏ hoặc bọc trong giấy đỏ, màu đỏ chỉ sự vui mừng. Cũng có gia đình thay vì các thứ bánh trên, dùng xôi gấc và lợn quay.

Đó là những lễ vật tối thiểu theo tục lệ cổ truyền; tất nhiên, chất lư­ợng và số lượng thêm bớt thì tùy thuộc vào năng lực kinh tế của từng gia đình. Theo phong tục Hà Nội truyền thống thường có lợn sữa quay, còn theo phong tục miền Nam có thể có một chiếc nhẫn, một dây chuyền hay bông hoa tai đính hôn. Tuy nhiên, số lượng lễ vật nhất thiết phải là số chẵn tượng trưng cho có đôi có lứa, nhưng lễ vật đó lại được xếp trong số lẻ của tráp - số lẻ tượng trưng cho sự phát triển.

Lễ vật dẫn cưới thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái. Nói theo cách xưa là: nhà trai bỗng dưng được thêm người, còn nhà gái thì ngược lại, "Con gái là con người ta". Mặt khác, lễ vật cũng biểu thị được sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với cô dâu tương lai.

Trong một chừng mực nào đó, đồ dẫn cưới cũng thể hiện thiện ý của nhà trai: xin đóng góp một phần vật chất để nhà gái giảm bớt chi phí cho hôn sự. Tuy nhiên, điều này ngày nay càng lúc càng trở nên mờ nhạt xét về vai trò, vì dễ dẫn đến cảm giác về sự gả bán con, thách cưới.

Rước lễ vật: Tất cả các lễ vật phải được sắp xếp gọn gàng và thẩm mỹ. Và nhất thiết phải được bày vào quả sơn son thếp vàng (hay mâm đồng đánh bóng, phủ vải đỏ). Có như thế mới nhấn mạnh được tính biểu trưng của lễ vật. Xưa, người đội lễ phải khăn áo chỉnh tề, thắt dây lưng đỏ. Nay, các cô gái đội lễ đã có áo dài đỏ thay thế nên không cần phải dùng thắt lưng đỏ nữa. Dù dùng phương tiện đi lại là: ô tô, xích lô, xe máy, hay đi bộ thì đoàn ăn hỏi cũng nên dừng lại cách nhà gái khoảng l00 m, sắp xếp đội hình, rồi mới đội lễ vào nhà gái. Đây thực sự là một hình thái văn hóa dân tộc.


Tiếp khách: Vì đây là một lễ trọng nên nhà gái phải chuẩn bị chu đáo hơn lễ chạm mặt. Tuy nhiên, do nội dung chủ yếu của lễ này là sự bàn bạc cụ thể, chính thức của hai gia đình về việc chuẩn bị lễ cưới, nên nhà gái không bày tiệc mặn mà chỉ bày tiệc trà. Ngày nay hầu hết các gia đình gái đều chuẩn bị tiệc mặn để thết đãi gia đình trai mong tạo hòa khí gắn bó và hàn huyên. Nghi thức trao nhận lễ vật cũng nên trở thành nghi thức bắt buộc.

Nhà gái: Nhà gái nhận lễ rồi đặt một phần lên bàn thờ gia tiên. Khi lễ ăn hỏi xong, bánh trái, cau, chè được nhà gái "lại quả" (chuyển lại) cho nhà trai một ít, còn nhà gái dùng để chia cho họ hàng và người thân. (Lưu ý: đối với cau thì phải xé chứ không được dùng dao để cắt. Khi nhà trai nhận lại tráp để bê về thì phải để ngửa, không được úp tráp lại).

Cô dâu: Phải ngồi trong phòng cho đến khi nào chú rể vào đón hoặc cha mẹ gọi mới được ra. Ra mắt tổ tiên bằng cách thắp hương lên bàn thờ. Sau đó cô dâu sẽ cầm ấm trà đi từng bàn để rót nước mời khách.

Biếu trầu: Đại diện nhà gái chuẩn bị đón tiếp nhà trai trong lễ ăn hỏi, các cô gái nhận tráp lễ vật mặc áo dài màu đỏ.

Xưa, sau lễ ăn hỏi, nhà gái dùng các lễ vật nhà trai đã đưa để chia ra từng gói nhỏ để làm quà biếu cho họ hàng, bè bạn, xóm giềng,... Ý nghĩa của tục này là sự loan báo: Cô gái đã có nơi có chỗ.

Trong việc chia bánh trái, cau, chè phải chia theo số chẵn, nhưng kiêng chia hai quả, nghĩa là mỗi nơi từ bốn quả cau, bốn lá trầu trở lên. Con số chẵn là số dương, số lẻ là số âm dùng trong việc cúng lễ.

Theo lối mới bây giờ, cũng chia bánh trái, thường có kèm theo những tấm thiếp của đôi bên hai họ báo tin đính hôn của đôi trẻ. Nếu ngày nghênh hôn không xa ngày hỏi, trong thiếp sẽ ghi rõ lễ cử hành vào ngày nào. Trong trường hợp này có khi cùng với thiếp "báo hỷ" lại có thiếp mời tiệc cưới.

Trang phục: Trang phục cho cô dâu: một bộ áo dài, vừa có thể mặc trong lễ cưới, vừa có thể mặc ở những dịp lễ hội sau này. Có thể sắm cho cô dâu tương lai những đồ trang sức sau: xuyến, vòng, hoa tai. Chú rể mặc comple, cà vạt.

Chia lễ: Nhà gái thường nhờ các cô gái trong họ hoặc bạn bè chia giúp. Khi nhà trai dẫn lễ ăn hỏi tới nhà gái, nhà gái thường làm cơm thiết đãi. Sau lễ ăn hỏi đôi bên kể là giao kết gắn bó với nhau rồi. Tuy vậy ngày xưa các cặp vị hôn phu và hôn thê cũng không được phép gặp nhau, trừ trường hợp đặc biệt lắm đôi bên cha mẹ mới cho phép. Phong tục ngày nay đổi khác, sau lễ ăn hỏi đôi trai gái thường gặp nhau luôn. Từ lễ ăn hỏi đến lễ cưới, xưa kia có khi hàng hai ba năm, nhưng ngày nay thời gian đó thường được rút ngắn, có khi chỉ vài ba ngày.

Các cụ xưa vẫn khuyên các chàng trai đã hỏi vợ thì cưới ngay để tránh sự bất trắc của thời gian. Nhưng vẫn có những trường hợp nhà gái đã nhận ăn lễ hỏi của nhà trai cũng không cho cử hành lễ nghênh hôn sớm, có khi vì cô gái còn quá nhỏ tuổi, có khi vì cha mẹ thương con không muốn con phải về nhà chồng quá sớm.

Theo Cuộc sống việt

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Khám phá lễ ăn hỏi dân tộc Phù Lá


Từ nay đến đầu tháng 12 âm lịch, khi nông nhàn cũng là lúc người Phù Lá tổ chức cưới hỏi cho con em mình. Nếu đã đến cao nguyên trắng Bắc Hà, bạn hãy dành thời gian vượt núi ghé thăm bản của người Phù Lá, tìm hiểu nghi lễ, phong tục cưới hỏi độc đáo này.



Đoàn nhà trai mang lễ vật sang nhà gái - Ảnh: Ngọc Bằng

Bản của người Phù Lá chênh vênh trên núi cao Nậm Đét. Đồng bào dân tộc Phù Lá cho đến giờ vẫn giữ được tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc nguyên sơ, độc đáo, đặc sắc. Và chúng tôi đã may mắn có dịp dự ăn hỏi của người dân tộc Phù Lá ngay xã Nậm Đét.

Khi đôi trai gái quen nhau, mến nhau và đi đến quyết định xây dựng hạnh phúc lứa đôi, gia đình nhà trai sang nhà gái tiến hành thủ tục hỏi vợ cho chàng trai và đi đến lễ cưới. Đến ngày ăn hỏi nhà trai chuẩn bị cho đủ lễ vật là 50 lít rượu, 50 kg thịt lợn, 120 kg gạo, 1 bộ quần áo, 1 bộ trang sức bằng bạc…

Khi đã chuẩn bị xong các lễ vật, ông thầy mối đi trước, đoàn người mang hành lý đi sau. Khi đến nhà gái, hai thầy mối của nhà trai và nhà gái bắt đầu nói chuyện, mời đại diện nhà gái lên nhận lễ vật.

Bố mẹ nhà gái tặng cho con gái 6 bộ quần áo, 1 đôi vòng tay bằng bạc, giày dép rồi căn dặn con gái đi làm dâu phải phục vụ nhà chồng, phải sống hạnh phúc. Tiếp đó, cô dâu quỳ lạy hậu tạ tổ tiên, thầy mối mời đại diện nhà gái bế cô dâu lên ngựa dắt về nhà chồng. Khi về đến nhà chồng thì trả lại toàn bộ đồ trang sức cho nhà trai đón dâu.

Tham dự lễ ăn hỏi, bạn sẽ có những cảm nhận về sự độc đáo, đặc sắc, tinh tế của phong tục truyền thống nơi này.

Nhà gái nhận lễ vật - Ảnh: Ngọc Bằng



Cô dâu phải bịt mặt khi lên ngựa để về nhà trai - Ảnh: Ngọc Bằng


Cô dâu chú rể quỳ lạy gia đình nhà gái - Ảnh: Ngọc Bằng


Đại diện nhà gái bế cô dâu lên ngựa để về nhà trai - Ảnh: Ngọc Bằng



Trên đường rước dâu về nhà trai - Ảnh: Ngọc Bằng



Ông bà thông gia uống rượu chúc mừng cho vợ chồng trẻ - Ảnh: Ngọc Bằng

Với những hình ảnh sống động với lễ cưới hỏi mang tính truyền thống đậm chất văn hóa và thấm đượm tình người...của người Phù Lá là một nét văn hóa được tổ tiên và con cháu của họ truyền tiếp đời đời.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS