RSS

Cô dâu chú rể lũ lượt vào nghĩa trang chụp ảnh cưới



Ngày thường có khoảng 2-5 cặp tới chụp nhưng vào mùa cưới, số lượng có thể lên tới 15-20 cặp mỗi ngày. Có hôm đông quá, họ phải xếp hàng.
Cưới xin là chuyện “hỷ” vì thế những thứ liên quan đến "tử" thường bị kiêng. Nhưng ở Tiền Giang lại một nghĩa trang mà hàng trăm cặp đôi yêu nhau trước ngày tổ chức hôn lễ lại vào bằng được để… chụp ảnh cưới.
Nghĩa trang tỉnh Tiền Giang nằm trên địa phận TP Mỹ Tho, sát quốc lộ 1, cách ngã ba Trung Lương chỉ vài cây số, là nơi đây quy tập hơn 6.000 mộ liệt sĩ. Điều làm nên sự khác biệt của Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang là cô dâu chú rể cứ đưa nhau vào đây chụp hình cưới. Không phải bây giờ mà từ đầu những năm 1990.
Chị Hoa, phụ trách căng-tin gần nghĩa trang hơn 20 năm qua, chỉ dãy phòng được thiết kế làm “phòng thay đồ” cho cô dâu chú rể. Chị không nhớ nổi đã gặp bao nhiêu cặp đôi đến đây chụp hình cưới, chỉ biết ngày thường có 2-5 cặp, ngày cuối tuần thì nhiều hơn, riêng vào mùa cưới từ tháng 12 trở đi, mỗi ngày có đến 15-20 cặp vào chụp hình cưới. “Đông quá nên họ phải chờ nhau mà chụp, nhờ vậy căng-tin cũng đông vui hơn”, chị Hoa nói.

                                        
Nhiếp ảnh gia điều chỉnh dáng cho cô dâu chú rể chụp ảnh tại nghĩa trang.

Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Trưởng ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ hồ hởi bảo: “Cơ sự là do một nhiếp ảnh gia. Ông này phát hiện cảnh đẹp bên trong nghĩa trang, có ao hoa súng, có cây to bóng mát, có cung đường và công trình đẹp nên thuyết phục cô dâu chú rể vào đây chụp hình cưới. Rồi nhiều anh em nhiếp ảnh khác cũng làm theo, khiến nơi đây tự nhiên trở thành địa điểm chụp hình cưới lý tưởng từ lúc nào không hay”.
Chuyện quản lý và duy trì mô hình này khá phức tạp. Ban quản lý trồng hoa, kiểng và chăm chút cẩn thận nhưng chuyện nhiều cặp đôi lại nhón vài bông hoa làm kiểu hay ngắt nhánh hoa súng khi xuống thuyền tạo dáng là chuyện thường ngày.
"Có cặp đôi còn ngắt hoa làm thành hình trái tim trên bãi cỏ rồi… sáng tác ảnh khiến anh em phát mệt. Chúng tôi cũng chẳng phạt vạ gì, nhắc nhở là chính. Được một điều là ý thức của các cặp đôi chụp hình cưới lẫn của anh em nhiếp ảnh cũng cao dần nên việc quản lý hoạt động này ngày càng nhẹ nhàng hơn. Đến nay, anh em nhiếp ảnh tự quy định và tự thu các khoản đóng góp để hỗ trợ chi phí vệ sinh dọn dẹp”, ông Ba cho biết.
Không chỉ chụp ảnh cưới, giới nhiếp ảnh Tiền Giang còn chọn khu vực đặt bia Tổ quốc ghi công làm “sân khấu” mừng Tất niên vào 13 tháng Chạp hằng năm. Anh Võ Thơ (nhiếp ảnh gia tại Tiền Giang) kể, cứ đến dịp Tất niên là nhờ chị Hoa căng-tin nghĩa trang làm đầu mối, còn hơn 50 tay ảnh thường xuyên lui tới nghĩa trang chụp ảnh cưới sẽ đóng góp tùy lòng. Có tay ảnh Thanh Tâm ở Tân Hiệp hàng năm còn góp cả ban nhạc sống giúp lễ Tất niên của giới nhiếp ảnh, với cả trăm người đến dự.
Anh Võ Thơ cho biết: “Thời điểm năm 1993-1994, cảnh quan ở nghĩa trang đẹp nhất tỉnh nên thuyết phục cô dâu chú rể vào đây là có cơ sở chuyên môn, duy chỉ vướng vấn đề tâm linh khiến nhiều người e ngại. Lúc đó anh em thuyết phục các cặp đôi rằng chụp hình rất đẹp mà không có mộ phần trong hình bằng cách đưa cả album ảnh ra thuyết phục.
Vả lại mộ phần là của những anh hùng liệt sĩ sống khôn thác thiêng, vào đấy thắp nhang nguyện xin tình duyên bền chặt là chuyện rất hay. Nói có tình, có lý, thế thì họ cũng xuôi tai. Nhiều người vào đây chụp, riết rồi người ta quen”. Thậm chí, anh này còn quả quyết, nhiều cặp đôi sống hạnh phúc đến hôm nay còn vào đây thắp nhang cho các anh hùng liệt sĩ bởi đã mang đến nhiều cái phúc trong cuộc sống hôn nhân cho họ.
“Hồi trước thì tùy, có người góp 20.000 đồng, có người thì 30.000 đồng sau mỗi lần chụp hình. Số tiền này nhờ chị Hoa ở căng-tin quản lý để trả phí thuê người làm vệ sinh mỗi ngày. Sau này vì có một số công trình phụ cần khắc phục nên anh em nhiếp ảnh có quy định đóng góp 50.000 đồng cho mỗi lần chụp để có số dư trong một năm sửa chữa công trình phụ nào thì dùng”, anh Trúc Minh Kiếm, một nhiếp ảnh gia giải thích.
Hiện Nghĩa trang liệt sĩ Tiền Giang cũng đang cần xây dựng lại nhà chờ đã hư hỏng nặng với kinh phí khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên theo ông Bé Ba, anh em nhiếp ảnh đã huy động được một nửa, nửa còn lại Ban quản lý vẫn đang tiếp tục xoay sở.
Chú rể Nguyễn Thế Hiển đang chờ được chụp ảnh cưới, vui vẻ cho rằng, thế hệ trẻ như anh đã không còn e ngại nào về mặt tâm lý khi đến đây chụp hình cưới, có chăng là nơi tôn nghiêm nên đi đứng, nói năng phải cẩn trọng hơn một chút.
Ông Duy Anh, người đang tham gia giảng dạy nhiếp ảnh tại TP HCM, đánh giá việc vượt qua được rào cản tâm linh để giúp cô câu chú rể vào nghĩa trang liệt sĩ chụp hình khiến người dân địa phương này ngày càng gắn bó mật thiết hơn với nơi an nghỉ của những bậc tiền bối anh linh có nhiều đóng góp cho Tổ quốc.
Cảnh quan của khu vực nghĩa trang này đã giúp ông Duy Anh đoạt nhiều giải thưởng khi mang ảnh cưới chụp tại đây đi dự thi. Cung đường men theo bờ ao hoa súng và bờ tường bao bọc nghĩa trang nở đầy hoa. Công trình bia Tổ quốc ghi công trang trọng và cao vút như ngọn tháp. Những ngôi nhà tưởng niệm bên trong nghĩa trang được thiết kế theo kiểu xưa với cột gỗ, mái ngói.
theo ngoisao.net

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét